Như bao làng quê Việt Nam khác, Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng nghề sơn mài truyền thống nơi đây vẫn được gìn giữ và ngày một phát triển.

Như bao làng quê Việt Nam khác, Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng nghề sơn mài truyền thống nơi đây vẫn được gìn giữ và ngày một phát triển. Đến nay, các sản phẩm sơn mài Cát Đằng không chỉ nổi tiếng bởi chất lượng tốt, giá trị nghệ thuật cao, mà người nghệ nhân còn biết sáng tạo sản phẩm mới từ nguyên liệu độc đáo, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Nét độc đáo từ một làng nghề

Theo sử sách ghi lại, nghề sơn mài làng Cát Đằng có từ khoảng thế kỷ 11, do hai ông: Ngô Dũng và Đinh Ba (từng làm quan trong triều thời vua Đinh) đến làng ở và truyền dạy nghề cho trai tráng. Vì vậy, ngày giỗ ông Tổ nghề được tổ chức linh đình vào rằm tháng Giêng hàng năm.

Cát Đằng nổi bật với sản phẩm truyền thống là sơn mài trên gỗ (chủ yếu là ngai, ỷ, kiệu, đồ tế lễ, thờ cúng). Tương truyền, các đồ sơn mài lâu đời, vẫn dùng để trang trí nội, ngoại thất trong các lăng tẩm, các cung đình xưa ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội… chủ yếu là do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Cát Đằng làm ra. Các sản phẩm đó đã góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng của người dân Bắc bộ nói riêng và của người Việt Nam nói chung.

Để có một sản phẩm sơn mài truyền thống, trước hết phải nói đến tầm quan trọng của chất liệu. Chất liệu chính của sơn mài truyền thống là nhựa cây sơn (sơn ta), được trồng nhiều trên những triền đồi vùng trung du Bắc bộ. Loại nguyên vật liệu thứ hai: vàng quỳ và bạc quỳ. Thứ ba là bột màu, các loại son được nhập từ Trung Quốc hay Nhật Bản. Ngoài ra, còn có thể kể đến: đất sét, vải, giấy, các loại dầu như dầu trẩu, nhựa thông... Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Văn Lam cho hay, làng Cát Đằng từ lâu đã sử dụng sơn ta trong sản xuất các sản phẩm sơn mài. Việc pha chế sơn ta có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành bại của sản phẩm. Công đoạn pha chế sơn ta trước đây cũng như bây giờ vẫn đòi hỏi phải có kinh nghiệm từ khâu nấu sơn, cô sơn đặc, cho đến khâu thử sơn chín. Nói chung, khâu nào cũng đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ. Ngoài pha chế sơn, người làm sơn mài phải thao tác qua hàng chục công đoạn khác trong khoảng thời gian gần một tháng. Đầu tiên là khâu cắt mộc (gỗ cây, gỗ dán) để tạo hình thành các loại như tranh, bình phong (4 tấm) hộp, khay, đĩa, lọ, bàn cờ… Thông thường, nếu như làm đồ mộc thì phải đục tra mộng mạng và đóng đinh cho bén chắc. Nhưng người thợ mộc trong nghề sơn mài lại khác hẳn, tuyệt đối không được đóng đinh, mộng mạng chỉ gắn bằng sơn ta (trộn với mùn cưa). Do vậy, yêu cầu kỹ thuật phải chính xác đến từng milimet, cho vừa khớp với các bộ phận khác. Sau đó bào nạo, đánh giấy ráp nhẵn nhụi chuyển sang bộ phận làm vóc. Công việc của mỗi công đoạn đòi hỏi phải có nghệ thuật riêng, vừa tỉ mỉ lại vừa công phu. Có công đoạn làm đi làm lại tới 6 lần mới đạt yêu cầu như công đoạn hom, sơn lót.

Thành công pha trộn giữa “cổ” và “kim”

Hiện nay, sản phẩm sơn mài Cát Đằng rất đa dạng, chủ yếu là đồ gia dụng gia đình, đồ trang trí nội thất: bình, lọ, tranh, phù điêu... Sản phẩm cóa nguồn gốc từ Cát Đằng không những được tiêu thụ mạnh trong nước mà còn là mặt hàng xuất khẩu, được ưa chuộng tại nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga và các nước ASEAN. Có được thành công này, những nghệ nhân Cát Đằng đã sáng tạo ra cách làm sơn mài trên nứa, một sự pha trộn giữa “cổ” và “kim”: sự kết hợp kinh nghiệm lâu đời và chất liệu mới, để tạo ra sản phẩm độc đáo. Ông Phạm Văn Thịnh, ở thôn Thượng Thôn, đã làm nghề hơn 20 năm nhớ lại: sản phẩm sơn mài trên nứa đã sơ khai từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sản phẩm ban đầu làm ra đơn giản, xuất khẩu kèm với mặt hàng sơn mài sang Liên Xô và một số nước Đông Âu trước đây. Khi thị trường Liên Xô không còn, nghề cũng bị mai một dần. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân tâm huyết trong làng đã không vì thế mà bỏ nghề, ngược lại càng kiên trì nghiên cứu thay đổi mẫu mã, chọn nguyên, phụ liệu có giá rẻ, nhưng bền, đẹp và không độc hại để sản xuất, rồi đi “gõ cửa” các nơi để chào hàng. Sau nhiều lần đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, phù hợp với thị trường, khoảng 5 năm trở lại đây, khách hàng mới thực sự thích thú với những mặt hàng mới này.

Ông Thịnh cho biết thêm, để làm ra một sản phẩm sơn mài bằng nứa bóng đẹp, người thợ phải trải qua một quá trình rất công phu. Bắt đầu là khâu chọn nguyên liệu. Nứa cần được chọn lựa kỹ càng, không quá non cũng không quá già, được ngâm ít nhất 3 tháng để sản phẩm không bị mối mọt. Tiếp đó, người thợ tiến hành pha nan, vót và đánh bóng nan. Nan sẽ được uốn chặt theo khuôn, quét lên một lớp keo sao cho không còn kẽ hở giữa các vòng nứa rồi đem mài cho đến khi nhẵn bóng. Sau đó, các nghệ nhân phun sơn và trang trí thêm các loại hoa văn. Trong tất cả các khâu, pha chế và phun sơn là khó nhất vì đây chính là bí quyết của nghề. Nhiều người nơi khác đã từng đến Cát Đằng học nghề, nhưng vẫn không thể biết hết bí quyết pha trộn sơn, đặc biệt là cách xử lý sơn tránh bị phai màu những lúc gặp trời mưa.

Cũng nhờ sự đầu tư, sản phẩm sơn mài trên nứa từ Cát Đằng đã phát triển rộng ra 20 làng, xã trong huyện như Yên Thành, Yên Khang, Yên Bằng... Đặc biệt, mặt hàng này đã mang về 2 giải thưởng Sao Vàng đất Việt cho 2 doanh nghiệp trẻ của Nam Định là Công ty Gỗ mỹ nghệ cơ khí đúc xuất khẩu- Xây dựng Ý Yên (AMIEXCO) và Công ty Đay- Dịch vụ xuất nhập khẩu Nam Định. Cũng từ mặt hàng sơn mài trên nứa, AMIEXCO đã nhận được 6 Huy chương vàng, Giấy chứng nhận hàng chất lượng cao, Cúp thương hiệu mạnh, Cúp Sen bạc, Chân dung Bạch Thái Bưởi; cán bộ, công nhân trong công ty được nhận danh hiệu Bàn tay vàng, bằng khen, giấy khen. Ngoài ra, nghề truyền thống cũng giúp cho Công ty Đay và Dịch vụ xuất nhập khẩu Nam Định thoát khỏi nguy cơ giải thể, vươn lên, mỗi năm xuất khẩu hàng triệu USD. Công ty đang tạo việc làm cho hàng trăm công nhân với thu nhập ổn định và trên 1 vạn lao động trong tỉnh; có gần 30 bạn hàng thường xuyên ở khu vực châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Cũng không thể không kể đến doanh nghiệp Tre nứa - Sơn mài Đức Huy, Công ty Thủ công mỹ nghệ Kỳ Quan… Đây là những doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, hàng lưu niệm sơn mài bằng nguyên liệu tre nứa. Sản phẩm của các doanh nghiệp này mang đậm nét mỹ thuật văn hóa dân gian, thân thiện môi trường, quy trình sản xuất không có chất thải công nghiệp, góp phần tích cực bảo vệ môi trường xanh.
 

Theo báo Công Thương