Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch) tại Quyết định số 872/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.


Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nêu rõ: Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, từng bước tạo sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh hiệu quả của nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có cơ cấu kinh tế hợp lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chủ yếu đồng bộ, hiện đại.


Mục tiêu cụ thể về kinh tế của Quy hoạch là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm đạt 12 - 13%, GRDP bình quân đầu người đạt từ 3.600 USD trở lên, thu nhập thực tế của dân cư năm 2020 gấp 4,4 lần năm 2010; Cơ cấu ngành kinh tế: Nông, lâm, thủy sản chiếm 12,1%; công nghiệp, xây dựng chiếm 53,7% và dịch vụ chiếm 34,2%. Tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 610 nghìn tỷ đồng; Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng GRDP chiếm trên 30%.


Khu vực ưu tiên phát triển về công nghiệp của Tỉnh bao gồm: Lọc hóa dầu và hóa chất; may mặc, giày da; xi măng; chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất điện. Khuyến khích phát triển: Cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông tin, phần mềm; dược phẩm và sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học; thép; phân bón, thức ăn chăn nuôi.


Quy hoạch đã xác định: Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng các ngành sản phẩm công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng và ngành có tác động xấu đến môi trường; tăng tỷ trọng các ngành sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, sản xuất thân thiện môi trường, sản phẩm hướng vào xuất khẩu. Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực gồm lọc hóa dầu và hóa chất; may mặc, giày da; xi măng; chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất điện. Khuyến khích phát triển các ngành cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông tin, phần mềm; dược phẩm và sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học; thép; phân bón, thức ăn chăn nuôi. Phấn đấu, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm đạt 18 - 19%.


Các ngành công nghiệp chủ yếu được lựa chọn phát triển, gồm: Công nghiệp lọc hóa dầu và chế biến sản phẩm từ hóa dầu; công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và cơ khí; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; công nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất mỹ phẩm, thuốc, dược phẩm cao cấp và các chế phẩm sinh học; công nghiệp sản xuất kim loại; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất điện.


Hạ tầng công nghiệp đã được định hướng phát triển cụ thể trong Quy hoạch, như: Tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, lấp đầy các khu công nghiệp hiện có như Lễ Môn (87,6 ha), Đình Hương - Tây Bắc Ga (180 ha), Bỉm Sơn (566 ha), Hoàng Long (286 ha); mở rộng khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng lên 550 ha; đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới gồm Thạch Quảng, Ngọc Lặc, Bãi Trành để chuẩn bị điều kiện cho thu hút các dự án đầu tư giai đoạn sau 2020. Phát triển các cụm công nghiệp theo hướng hình thành các cụm chuyên ngành; đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 57 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.647 ha.


ARID