Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hoá đã có 60.236 cơ sở sản xuất TTCN, chủ yếu là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và hộ cá thể với trên 150.000 lao động chuyên và hàng chục nghìn lao động tham gia sản xuất khi thời vụ nông nhàn. Giá trị sản xuất TTCN và ngành nghề khu vực nông thôn đạt trên 4.000 đến 4.500 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. 

              Tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện nhiều cơ chế chính sách phát triển ngành nghề TTCN khu vực nông thôn như: Quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề, hỗ trợ đào tạo nghề, khôi phục nghề truyền thống, du nhập, nhân cấy nghề mới, quyết định thành lập Trung tâm Khuyến công và Tư vấn công nghiệp (TTKC&TVCN)... Riêng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới, xúc tiến tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thông tin chính sách mới... mỗi năm ngân sách tỉnh hỗ trợ trên dưới 2 tỷ đồng. Các địa phương xây dựng cụm công nghiệp làng nghề theo quy hoạch đều được hỗ trợ trên dưới 5 tỷ đồng/cụm làng nghề. Các địa phương đã chủ động phối hợp với Sở Công thương và Trung tâm KC&TVCN tổ chức cho hàng nghìn lượt lao động, đại diện các tổ chức HTX, THT tham quan, học tập kinh nghiệm, tìm đối tác cho việc đào tạo nghề, liên doanh liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm và mở mang sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc khôi phục và phát triển những ngành nghề truyền thống, việc du nhập và nhân cấy nghề mới được triển khai trên địa bàn 20 huyện, thị xã. Các ngành nghề mới được nhân cấy như thêu móc, thêu ren, nứa cuốn, mây giang xiên, chiếu mỹ nghệ xuất khẩu... đã mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình khu vực nông thôn. Riêng các nghề: mây tre đan, nứa cuốn, tăm mành, móc hộp, mây giang xiên... đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 10.000 lao động. 
  
              Tuy nhiên, việc khôi phục, phát triển nghề truyền thống, du nhập và nhân cấy nghề mới ở Thanh Hoá còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều huyện, thị xã vẫn chưa lập được quy hoạch chương trình phát triển TTCN cho từng giai đoạn và từng vùng trên địa bàn, do đó việc phát triển ngành nghề chưa có định hướng cụ thể. Công tác quản lý, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức, nhiều địa phương chưa có người  chịu trách nhiệm chính về phát triển ngành nghề TTCN. Việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển ngành nghề TTCN còn nhiều ách tắc, phần lớn các  HTX, THT, hộ cá thể chưa được vay vốn tại ngân hàng. Thanh Hoá tuy có lợi thế về nguồn nguyên liệu mây, tre, giang, nứa... song chưa gắn sản xuất với quy hoạch vùng nguyên liệu.  Việc quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp - làng nghề quá chậm chạp, đã qua hơn 5 năm đến nay mới có 10 trong tổng số 45 cụm công nghiệp - làng nghề hoàn thành đi vào sản xuất. Số lao động được đào tạo trong các ngành nghề chỉ duy trì được trên dưới 50%, trong đó nhiều nghề chỉ duy trì được dưới 30% số lao động có việc làm ổn định, thậm chí có nghề mới du nhập nhưng không tồn tại được. Ở nhiều địa phương sản xuất TTCN ở nông thôn vẫn bị coi là một nghề phụ lúc nông nhàn và giải quyết lao động dư thừa. Các làng nghề còn thiếu nhiều lao động có tay nghề khá do giá thành sản phẩm, ngày công lao động thấp, chỉ từ 20.000 đến  40.000 đồng/lao động/ngày, nên người lao động không kiên trì với nghề dẫn đến thiếu lao động cục bộ, khiến các doanh nghiệp không  yên tâm đầu tư lâu dài, không dám nhận các hợp đồng lớn, thậm chí thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn nhưng không dám nhận hợp đồng ./. 
 
  Duy Hoàng