Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp (CCN) đã đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, để tạo được lực hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vào các CCN cần có những giải pháp hiệu quả hơn


Loại bỏ 6 cụm công nghiệp
Theo điều chỉnh quy hoạch tổng thể CCN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ loại bỏ 6 CCN và sáp nhập 4 cụm công nghiệp. 6 CCN bị loại bỏ gồm: Thủy Vân, Thủy Châu, Phú Mỹ, Quảng Phú, Quảng Lợi và Hương Phong; 4 CCN sẽ sáp nhập vào khu công nghiệp (KCN) gồm: CCN Phú Đa vào KCN Phú Đa; CCN Hòa Bình Chương vào KCN Phong Điền; CCN Phong Điền vào KCN Phong Điền; CCN La Sơn nhập vào KCN La Sơn. Bên cạnh đó, CCN Hương Sơ sẽ điều chỉnh quy mô từ 100ha xuống 48ha; điều chỉnh quy mô CCN Thủy Phương từ 100ha xuống 75ha. Như vậy, trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 chỉ còn 10 CCN với tổng diện tích 353ha.


Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể CCN nhằm phát triển phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh của các địa phương, gắn liền với việc phát triển các trung tâm kinh tế của tỉnh. Dự kiến, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng CCN giai đoạn 2016 - 2020 là 335,63 tỷ đồng. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong CCN đến năm 2020 đạt 2.668 tỷ đồng.
Vì sao các CCN bị thu hẹp?


Hạn chế về cơ sở vật chất, hạ tầng là nguyên nhân khiến nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) chưa mặn mà chuyển đến CCN.


Huyện Quảng Điền là một ví dụ. CCN Bắc An Gia được thành lập trên địa bàn huyện với quy mô 25 ha nhằm phát triển các ngành nghề công nghiệp, TTCN như: Cơ khí chế tạo, sản xuất và sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, sản xuất hàng mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ xuất khẩu, công nghiệp chế biến; xay xát; may mặc, thêu,… Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ quy hoạch tập trung vào 7 ha nhằm tiếp nhận những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; giai đoạn 2 sẽ kêu gọi các cơ sở sản xuất trong và ngoại tỉnh đầu tư. Hiện nay, Ban Đầu tư và Xây dựng huyện đã tiến hành giải phóng mặt bằng trên diện tích 22.000m²; đầu tư 2 tuyến đường giao thông và hệ thống điện, nước, cơ bản đáp ứng nhu cầu của các hộ sản xuất. Các cơ sở vào CCN được hỗ trợ từ 7 - 10 triệu đồng gồm: Kinh phí di chuyển, miễn 5 năm phí hạ tầng… Dù đã rất nỗ lực nhưng giai đoạn 1 chỉ có 5 cơ sở di chuyển vào CCN, hầu hết các hộ sản xuất TTCN trong khu dân cư không mặn mà vào CCN do cơ sở hạ tầng yếu và thiếu.


Cần lực hút hấp dẫn hơn


Đóng góp của các doanh nghiệp hoạt động trong CCN là rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung cũng như từng địa phương nói riêng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất trong CCN hiện nay đang gặp không ít khó khăn bởi chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ và thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, những sản phẩm sản xuất chủ yếu dưới dạng thô, đơn giản, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường, thiếu nguồn nhân công lao động, việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao không dễ dàng. Các CCN của các địa phương đã và đang tìm nhiều giải pháp để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, nhưng thu hút xong lại thiếu sự kết nối giữa chính các doanh nghiệp trong cụm với nhau, vì vậy sự hỗ trợ giữa các doanh nghiệp chưa được phát huy, chưa tạo được mối liên kết cả trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.


Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ cũng là trở ngại lớn của các doanh nghiệp khiến họ chưa mặn mà đầu tư sản xuất kinh doanh tại các CCN. Dù có những CCN tỷ lệ lấp đầy đã đạt gần 100% nhưng thực tế những điều kiện đi kèm như điện, nước, hạ tầng giao thông nội bộ, giao thông kết nối lại không đồng bộ. Không riêng CCN Bắc An Gia, hầu hết các CCN ở Thừa Thiên Huế chưa đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng. Điện không ổn định sẽ ảnh hưởng sản xuất. Hệ thống giao thông chưa đảm bảo sẽ gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hoá, nhất là mùa mưa bão, hệ thống cây xanh, hệ thống xử lý môi trường còn hạn chế. Đó là chưa kể, nhiều cơ sở sản xuất đã quen kinh doanh ở trong khu dân cư nên rất ngại ngần khi phải thay đổi địa điểm hoạt động, sợ mất đi những mối làm ăn cũ.


Để tạo được lực hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vào các CCN, bên cạnh việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn thì rất cần có một chiến lược dài hơi để tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng lớn, có tiềm lực đầu tư vào các cụm công nghiệp, nhất là hệ thống điện, đường, xử lý nước thải. Nếu cần thì phải cam kết với người dân sẽ đầu tư hạ tầng ngành nếu các cơ sở đồng ý di chuyển, đồng thời kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải cần nguồn vốn lớn thì có thể đầu tư dần từng bước để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường CCN về sau. Tỉnh cũng cần hỗ trợ các nhà đầu tư trong  công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có trình độ tay nghề, có chuyên môn đáp ứng nhu cầu công việc. Đồng thời, xử lý nghiêm khắc với những hộ sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư, yêu cầu những cơ sở này di chuyển tập trung về cụm công nghiệp. Địa phương cần có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn chuyển vào sản xuất tập trung tại CCN như: những hộ đến sớm được chọn vị trí theo đúng quy hoạch phát triển, hỗ trợ tiền trả lương lao động trong quá trình ngưng hoạt động và chính sách ưu đãi về vay vốn...


Khánh Chi