Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV (Nghị quyết), ngành Công Thương Hòa Bình đã đạt được những kết quả quan trọng. Công nghiệp tăng trưởng khá, cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng khai thác khoáng sản.


Ngành Công Thương Hòa Bình đạt được nhiều kết quả quan trọng


Các khu công nghiệp trên địa bàn đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân hàng năm tăng 25% cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước (ước khoảng 17%); Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước vượt 80% so với mục tiêu Nghị quyết và gấp 3 lần năm 2011.


Sản xuất công nghiệp duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển, nhiều sản phẩm có số lượng tăng vượt bậc.


Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) năm 2015 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 9.200 tỷ đồng. Tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 15,38%/năm cao hơn so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp – xây dựng. Năm 2015, cơ cấu kinh tế khối công nghiệp - xây dựng chiếm 40,2%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 0,5%.


Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có mức tăng trưởng cao. Năm 2015, quần áo may sẵn ước đạt 19 triệu sản phẩm, tăng gấp 4 lần so với năm 2010. Sản phẩm điện tử ước đạt 150 triệu sản phẩm, tăng gấp 2 lần so với năm 2010; xi măng ước đạt 740 nghìn tấn, tăng gần 2 lần; sản lượng điện sản xuất bình quân trong giai đoạn (2010-2015) ước đạt 9,66 tỷ kWh, là mức cao nhất từ trước đến nay. Một số lĩnh vực công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, như: Công nghiệp điện, điện tử tăng 57%/năm; công nghiệp sản xuất xi măng tăng 30%/năm; công nghiệp dệt may tăng 80%/năm, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tăng 25%/năm...


Ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh bước đầu phát triển. Bên cạnh các dự án sản xuất thấu kính quang học, linh kiện điện tử, thu hút thêm những dự án công nghiệp khác như: Mở rộng sản xuất của Công ty Sanko với công suất 50 triệu sản phẩm/năm; Sản xuất phụ tùng ô tô của Công ty NISSIN, linh kiện điện tử của Tập đoàn SamSung (công suất 48 triệu sản phẩm/năm), sản xuất modul camera (công suất 120 triệu sản phẩm/năm)...
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2015 ước đạt 15.530 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm ước đạt 25%/năm.


Xuất nhập khẩu có mức tăng trưởng khá, các doanh nghiệp xuất khẩu tăng, đóng góp thêm về chủng loại hàng hóa tham gia xuất khẩu và nâng cao giá trị xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 dự kiến đạt 180 triệu USD (tăng gấp 3,7 lần so với năm 2010). Tốc độ tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt 31%/năm, vượt 80% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (100 triệu USD). Thị trường xuất khẩu của tỉnh tập trung vào các nước như: Hoa Kỳ, EU, Nga, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn gồm: Dệt may đạt 70 triệu USD chiếm 38%, linh kiện điện tử đạt 35 triệu USD chiếm 19%, nông sản đạt 5 triệu USD chiếm 5%... Kim ngạch nhập khẩu năm 2015 đạt 80 triệu USD tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thiết bị, nguyên phụ liệu... trong nước chưa sản xuất được.


Công tác đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại và thu hút dự án đầu tư đạt kết quả tích cực. Tỉnh đã thu hút và bàn giao 06 KCN cho các chủ đầu tư hạ tầng. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng đang được triển khai với tổng số vốn đầu tư là 542,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 162,9 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp là 379,8 tỷ đồng. Hiện nay đã có 02 KCN Lương Sơn và Bờ trái Sông Đà có hạ tầng kỹ thuật được xây dựng tương đối đồng bộ; Hiện có 04 CCN có chủ đầu tư hạ tầng. Tổng số vốn đầu tư xây dựng đạt 60,2 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 20,7 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp là 39,5 tỷ đồng. 05 CCN đã có các doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án sản xuất kinh doanh, 06 dự án đã đi vào hoạt động; Đến nay, tổng số dự án đầu tư vào các khu, CCN của tỉnh là 66 dự án. Trong đó, 17 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 389,04 triệu USD và 49 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 6.200 tỷ đồng. Có 45 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; doanh thu năm 2015 ước đạt 5.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu ước đạt 100 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước 200 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 7.000 lao động. Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 siêu thị, 02 trung tâm thương mại; 93 chợ,  trong đó: 01 chợ đạt tiêu chuẩn hạng I; 09 chợ hạng II; 83 chợ hạng III về cơ bản  đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. 


Những kết quả quan trọng đạt được của ngành Công Thương Hòa Bình trong giai đoạn 2010-2015 sẽ là nền tảng vững chắc để tiếp tục phát huy, tận dụng tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế của địa phương phát triển trong thời gian tới.


CTV