Ngày 19/8/2009 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp (CCN). Quá trình thực hiện trong thời gian qua của các Bộ, ngành và địa phương đã đem lại những kết quả tích cực trong chỉ đạo, tổ chức quản lý quy hoạch, thành lập và hoạt động của các CCN trên cả nước cũng như bộc lộ những hạn chế, tồn tại. Bài viết này nhằm tổng hợp các thông tin mà các Bộ, ngành và địa phương đã thực hiện và đưa ra các đề xuất kiến nghị để Quy chế quản lý CCN tiếp tục phát huy được hiệu quả.

 


1. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ giao tại Quy chế quản lý CCN của các Bộ, ngành và địa phương:Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 10009/BCT-CNĐP ngày 08/10/2009 đề nghị Uỷ ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty 90, 91 và các Công ty, đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, triển khai thực hiện Quy chế. Bộ cũng đã Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28/12/2009 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quy chế. Trong năm 2010 Bộ đã tổ chức 03 hội nghị phổ biến, triển khai thực hiện Quy chế cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan quản lý CCN cấp huyện, các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng và các đơn vị khác liên quan.

 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN tại địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và được Thủ tướng Chính phủ ký trong Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;

 

Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT ngày 10/10/2012 hướng dẫn xử lý CCN hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực; Xây dựng biểu mẫu, hướng dẫn Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hàng năm theo dõi, đánh giá tình hình đầu tư, phát triển CCN ở các địa phương.

Ngoài việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn, phổ biến các văn bản liên quan trong thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, định mức phân bổ ngân sách nhà nước giai đoạn 2010-2015. Trong 03 năm 2011 - 2013, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, tổng hợp, thẩm tra hồ sơ và đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ đầu tư 83CCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn với tổng mức hỗ trợ 235 tỷ đồng. Việc hỗ trợ từ NSTW đã góp phần cùng địa phương hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy và hiệu quả đầu tư các CCN tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, ban hành Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/02/2012 hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu. Theo đó, định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch phát triển CCN được áp dụng trong nhóm ngành kết cấu hạ tầng sản xuất làm cơ sở cho các địa phương tổ chức lập, thực hiện quy hoạch phát triển CCN. Hàng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng phương án bố trí NSTW hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng các CCN ở các địa phương (áp dụng thực hiện như khu công nghiệp theo quy định tại Thông tư số 19/2008/TT-BXD ngày 20/11/2008 của Bộ Xây dựng).Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường (trong đó có nội dung liên quan đến CCN); ban hành Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 29/2011/NĐ-CP và Thông tư số 48/2011/TT-BTNMT ngày 28/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/7/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp và CCN.

 

Đối với các địa phương trên cả nước: 100% địa phương đã tiến hành phổ biến, tổ chức triển khai thực hiện Quy chế và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan của Bộ Công Thương dưới nhiều hình thức như tổ chức các hội nghị phổ biến, quán triệt, họp báo hoặc có văn bản chỉ đạo thực hiện các nội dung của Quy chế tới các Sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, phòng Công Thương/phòng Kinh tế hạ tầng, chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng CCN và các đơn vị liên quan khác trên địa bàn. Ở hầu hết các địa phương đã phân công Sở Công Thương làm đầu mối quản lý phát triển CCN trên địa bàn và ở cấp huyện, giao cho Phòng Công Thương/Phòng Kinh tế hạ tầng thực hiện. Đã có 49/63 địa phương ban hành Quy chế phối hợp quản lý CCN để phối hợp giữa các cấp, ngành ở địa phương trong việc quản lý đối với các CCN trên địa bàn. Trong công tác lập quy hoạch phát triển CCN, cả nước hiện có 17/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành lập, phê duyệt quy hoạch phát triển CCN (quy hoạch riêng về CCN); 17 địa phương đang xây dựng và đề nghị Bộ Công Thương thỏa thuận quy hoạch (Bắc Kạn, Cao Bằng, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu), 6 địa phương đang trình duyệt quy hoạch (Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Sóc Trăng và An Giang). Việc xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách phát triển CCN, có 14/63 địa phương đã ban hành, thực hiện cơ chế chính sách riêng về phát triển CCN (gồm: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang), 12/63 địa phương (gồm Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Đăk Nông, Gia Lai) chưa ban hành cơ chế hỗ trợ riêng nhưng nội dung hỗ trợ CCN đã được lồng ghép trong các văn bản quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư chung của địa phương.

 

 2. Đánh giá chung về những kết quả đạt được và những tồn tại trong tổ chức triển khai thực hiện Quy chế quản lý CCN:

 

Việc tổ chức thực hiện Quy chế quản lý CCN trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật như: Quy chế đã tạo ra hành lang pháp lý thống nhất quản lý CCN từ trung ương đến các địa phương, làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư hạ tầng và các đơn vị liên quan chấp hành đúng chủ trương, quy định của nhà nước về phát triển CCN; Công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động của CCN ngày càng được các địa phương nhận thức một cách đúng mức, tổ chức thực hiện theo trình tự, quy định của pháp luật, hạn chế việc phát triển CCN tự phát, thiếu quy hoạch như trước đây; Phát triển CCN trong cả nước đã thu hút được một số lượng lớn các dự án đầu tư vào cụm (trên 8.000 dự án), tạo ra số lượng việc làm đáng kể cho người lao động (trên 520.000 việc làm); Việc phát triển CCN góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, thuận tiện cho việc xử lý ô nhiễm môi trường.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc tổ chức thực hiện Quy chế quản lý CCN vẫn còn những bộc lộ hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới như: Chất lượng quy hoạch phát triển CCN ở các địa phương nhìn chung chưa cao, chưa bám sát nhu cầu mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn; Chưa xây dựng được cơ chế/chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN nên số CCN thu thút được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng rất hạn chế (mới chỉ có 227/878 CCN thành lập hoặc đã hình thành trước khi QĐ 105/2009/QĐ-TTg có hiệu lực có chủ đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp); Tại một số địa phương, việc chấp hành Quy chế còn chưa nghiêm túc ở một số nội dung như bổ sung quy hoạch CCN không đúng thủ tục, bố trí dự án đầu tư vào CCN chưa phù hợp với mục tiêu quy hoạch, chưa rà soát, bãi bỏ kịp thời một số văn bản hành chính của địa phương không còn phù hợp với Quy chế; Tiến độ xử lý các CCN hình thành trước Quy chế có hiệu lực chậm, còn lúng túng trong triển khai mặc dù Bộ Công Thương đã có hướng dẫn cụ thể; Một số quy định tại Quy chế còn khó triển khai trong thực tế như: quy định về thành lập Trung tâm phát triển CCN (do ngân sách các địa phương hạn hẹp, thiếu biên chế và kinh phí hoạt động), quy định CCN có diện tích từ 15 ha phải có hệ thống xử lý nước thải chung (vì những CCN diện tích trên 15 ha có ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường nước không cần thiết phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung).

 

3. Đề xuất kiến nghị

 

Để Quy chế quản lý CCN tiếp tục đi vào cuộc sống, công tác quản lý đầu tư, phát triển CCN được hiệu quả, đề xuất các cơ quan chức năng thực hiện một số nội dung sau:

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Cần xử lý dứt điểm các CCN hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN có hiệu lực theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan tại các CCN;Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng CCN trong đó tập trung ưu tiên đầu tư những CCN có khả năng lấp đầy nhanh, tận dụng được thế mạnh của địa phương nhằm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đang nằm trong khu dân cư;

 

Đối với việc bổ sung, thành lập CCN mới phải phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất (không sử dụng đất đã được quy hoạch trồng lúa) và khả năng thu hút đầu tư hạ tầng CCN, khi thành lập CCN phải xem xét, tính toán kỹ nhu cầu thực tế, năng lực của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN, khả năng nguồn vốn và hiệu quả đầu tư; Ban hành các cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN và tăng cường tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN để thu hút nguồn vốn đầu tư tư doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

 

Đối với các Bộ, ngành: Bộ Công Thương cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo UBND cấp tỉnh quản lý chặt chẽ, đúng quy định đối với phát triển CCN từ khâu quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng đến quản lý hoạt động của các CCN. Hàng năm chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định, chính sách của nhà nước về phát triển CCN ở các địa phương; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về công tác quản lý, phát triển CCN.Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương khảo sát, hướng dẫn các địa phương về mô hình Trung tâm phát triển CCN (đơn vị sự nghiệp) làm chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN. Bộ Tài chính sớm nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển CCN (như: ưu đãi tiền thuê đất trong CCN, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong CCN...).Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường hướng dẫn việc quản lý đất đai, môi trường đối với CCN; đề xuất các giải pháp để đảm bảo môi trường của các CCN theo quy định; rà soát, xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường CCN cho phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế.Các Bộ, ngành liên quan khác (Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng), trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, tăng cường chỉ đạo công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chủ trương, pháp luật về đầu tư, xây dựng tại các CCN.

 

Đối với Thủ tướng Chính phủ: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc rà soát quy hoạch, thành lập, hoạt động của các CCN theo yêu cầu tại Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ được tiếp tục thực hiện quy hoạch, bổ sung quy hoạch, thành lập và mở rộng CCN trên địa bàn theo đúng quy định tại Quy chế quản lý CCN.

 

Trong giai đoạn 2013-2015, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tăng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách trung ương để đầu tư hạ tầng CCN tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo hướng tập trung hỗ trợ mỗi tỉnh từ 01-03 CCN với mức hỗ trợ tối đa 20 tỷ đồng/cụm nhưng tổng kinh phí hỗ trợ không vượt quá định mức quy định tại Quyết định 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để nguồn hỗ trợ đủ mạnh thu hút các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng, góp phần rút ngắn tiến độ đầu tư, nhanh chóng phát huy hiệu quả.

 

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN vào danh mục ngành nghề, lĩnh vực các dự án vay vốn tín dụng đầu tư tại Phụ lục I của Nghị định 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; bổ sung thêm trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN hoặc dự án đầu tư vào các CCN không nằm trên địa bàn kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn (Cụ thể: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo; hưởng thuế suất ưu đãi 20% trong thời hạn 10 năm).


Nguyễn Văn Thịnh

Trưởng phòng Quản lý cụm công nghiệp, Cục CNĐP