Để phát triển các khu, cụm, tuyến công nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả đầu tư trong điều kiện “đất chật, người đông“, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các  khu công nghiệp (KCN)  trên địa bàn tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo tiêu chuẩn quy định; quy hoạch các khu, cụm tuyến công nghiệp tuân thủ  quy định về vệ sinh và bảo vệ môi trường từ khâu lựa chọn địa điểm, vị trí, quy mô... đến việc bố trí các loại hình xí nghiệp công nghiệp trong khu, cụm, công nghiệp, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sử dụng công nghệ sạch ít gây ô nhiễm.

           Năm 2008,  Vĩnh Long tập trung giải phóng mặt bằng triển khai dự án nhà máy Bia Sài Gòn – Vĩnh Long và khu dịch vụ công nghệ cao; lựa chọn thí điểm 4 cụm CN-TTCN ưu tiên kêu gọi đầu tư là CCN xã Phú Thịnh – Tân Phú, xã Song Phú (huyện Tam Bình), xã Phú Quới (huyện Long Hô và xã Thiện Mỹ (huyện Trà Ôn ) với tổng diện tích 199 ha. Việc xây dựng mới các CCN  được gắn kết với vùng nguyên liệu, lợi thế  giao thông và quá trình đô thị hóa nông thôn. Vĩnh Long thực hiện cơ chế liên kết, chính sách chung trong phối hợp kêu gọi, thu hút đầu tư để cùng phát triển giữa các huyện, thị trong tỉnh, giữa tỉnh  và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu đến năm 2015  tỷ trọng CN chiếm 40% trong GDP của tỉnh và giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành CN-TTCN chiếm trên 50%  cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.

Vĩnh Long hiện có 2 KCN trọng điểm là Hòa Phú, Bình Minh và tuyến công nghiệp Cổ Chiên với tổng diện tích 532,5 ha. Tại KCN Hòa Phú đã lấp đầy diện tích giai đọan 1 là 121 ha và xúc tiến triển khai giai đọan 2 diện tích 109 ha, thu hút 15 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh với tổng số vốn đăng ký đầu tư 470,8 tỷ đồng và 44,1 triệu USD. Tuy nhiên trong giai đọan 1, các DN chỉ mới triển khai xây dựng nhà xưởng đạt 44,5% diện tích đất đã thuê và đạt 50% nguồn vốn đã đăng ký.

Vĩnh Long có kế họach phát triển thêm 2 – 3 KCN tập trung với quy mô diện tích từ 200 đến 300 ha/KCN và lựa chọn xây dựng 13 CCN với tổng diện tích 545,92 ha.  Tồn tại trong phát triển các khu, cụm CN ở Vĩnh Long là việc quy hoạch  phát triển còn nhiều bất cập, chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, chưa gắn kết định hướng phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên tại các KCN gắn với liên kết cả vùng trong khi chi phí bồi hoàn, giải tỏa cao do đặc điểm nền đất yếu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long ( bình quân 1 ha đất CN ở Vĩnh Long phải đầu tư từ 1,8 đến 2 tỷ đồng cho san lấp mặt bằng). Không chỉ  thiếu lao động kỹ thuật, cán bộ quản lý chuyên ngành, các KCN trên địa bàn Vĩnh Long hiện chưa quan tâm  đúng mức cho việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, hệ thống giao thông ngay từ khi triển khai dự án./.
 

Huỳnh Kim Phượng