Suất đầu tư quá cao, thậm chí cao hơn mức đầu tư vào khu công nghiệp từ 0,8-1 tỷ đồng đã khiến việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai quá khó khăn.

 

Theo quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh, đến năm 2020 Đồng Nai sẽ có 40 CCN với tổng diện tích 2.136,79 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 trong tổng số 40 CCN đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng và bắt đầu tiến hành giao đất cho doanh nghiệp với diện tích 104,48 ha là CCN gốm Tân Hạnh (TP. Biên Hòa), CCN vật liệu xây dựng Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Và 6 CCN đang được nhà đầu tư tiến hành giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ rất chậm.

 

Như vậy, theo quy hoạch đến năm 2015, Đồng Nai sẽ phải hoàn thành việc quy hoạch chi tiết và xây dựng hạ tầng cho 18 CCN. Thời gian không còn dài và nguy cơ Đồng Nai không đảm bảo được tiến độ là rất lớn.

 

Ông Châu Minh Nguyện, Phó Giám Đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Nút thắt” của vấn đề này chính là việc không có được tiêu chí riêng về quy chuẩn thiết kế cho quy hoạch CCN khiến suất đầu tư cao, khó kêu gọi nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng. Hiện nay, Đồng Nai đang phải quy hoạch CCN theo tiêu chí quy hoạch khu công nghiệp (KCN).

 

Theo tiêu chí này, tỷ lệ sử dụng đất chỉ chiếm tối đa 60% tổng diện tích mà với quy mô của CCN từ 50 - 75 ha thì rõ ràng suất đầu tư hạ tầng cho 1ha CCN cao hơn đầu tư vào KCN. Theo tính toán của Sở Công Thương Đồng Nai, một suất đầu tư vào KCN chỉ khoảng 3,5 - 4 tỷ đồng/ha trong khi đầu tư vào CCN mất 4,8 - 5 tỷ đồng/ha.

 

“Mục tiêu quy hoạch, xây dựng các CCN là hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, các cơ sở công nghiệp nông thôn có nơi sản xuất tập trung, đảm bảo yếu tố môi trường…với mức đầu tư cao như vậy doanh nghiệp rất khó có thể đáp ứng được”, ông Nguyện nhấn mạnh.

 

Trên thực tế, vấn đề Đồng Nai đang gặp phải trong thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng CCN không phải trường hợp cá biệt. Nhiều địa phương cũng phản ánh việc quy hoạch CCN đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, tiêu chí riêng thì chưa có, thực hiện theo quy hoạch KCN thì mức đầu tư quá cao, có nơi lên đến 7 - 8 tỷ đồng/ha. Và điều này khiến việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng CCN tại các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi trở nên đặc biệt khó khăn.

 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Đồng Nai và các địa phương trên cả nước phát triển CCN, Sở Công Thương Đồng Nai có kiến nghị với Bộ Công Thương đề xuất với Chính Phủ, phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng tiêu chí quy hoạch thiết kế riêng cho CCN. Theo đó, diện tích đất cho thuê ít nhất phải đạt 70% hạ tầng, cây xanh khoảng 30% như vậy mới có thể giảm suất đầu tư. Các công trình hạ tầng phục vụ cho doanh nghiệp trong CCN như: điện, nước… cần phục vụ tới tận chân công trình để làm sao giảm được kinh phí đầu tư và khuyến khích, hỗ trợ được doanh nghiệp.

 

Phạm Kim