Sơn Dương hiện có 1 cụm và 3 điểm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Sơn Nam và các điểm công nghiệp: Măng Ngọt, Phúc Ứng và An Hòa. Các cụm, điểm công nghiệp hiện đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện phát triển.

 

Cụm công nghiệp Sơn Nam được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch năm 2007. Tổng diện tích quy hoạch 90 ha gồm các phân khu chức năng: Sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, chế biến khoáng sản và sản xuất tiểu thủ công nghiệp địa phương. Đến nay đã có 3 công ty chính thức đi vào hoạt động gồm: Công ty TNHH Fenspat An Bình, Công ty cổ phần Vân Sơn, Công ty TNHH 27-7 và dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón NPK của Công ty TNHH Hữu Thắng đang trong quá trình xây dựng mặt bằng. Ông Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Fenspat An Bình cho biết, nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Tổng công suất 80.000 tấn/năm. Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 120 lao động. Ngoài ra, công ty còn có khoảng 40 lao động nông nhàn ở xã Sơn Nam làm các công việc phổ thông như tuyển chọn nguyên liệu, bốc xếp sản phẩm... Với phương châm vừa làm vừa đào tạo, sau những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay cơ bản số lao động của công ty đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Hiện công ty đã đóng bảo hiểm cho gần 50% số lao động và bố trí bữa ăn ca, phụ cấp độc hại cho người lao động. Năm 2010, công ty đã thu nộp ngân sách nhà nước 3,8 tỷ đồng. Hai Nhà máy chế biến quặng Barite của Công ty TNHH 27-7 và Công ty cổ phần Vân Sơn, cũng đang hoạt động hiệu quả. Với công suất 100.000 tấn/năm và 45.000 tấn/năm, hai công ty đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Thu nhập bình quân mỗi lao động đạt từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/tháng. Trong năm 2010, Công ty TNHH 27-7 đã nộp ngân sách nhà nước hơn 3 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vân Sơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, Dự án sản xuất phân bón NPK có tổng vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng do Công ty TNHH Hữu Thắng làm chủ đầu tư cũng đang trong quá trình san lấp mặt bằng. Dự kiến khi dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 120 lao động.

Tại điểm công nghiệp Măng Ngọt, thị trấn Sơn Dương, Nhà máy chế biến chè do Công ty TNHH Thành Long làm chủ đầu tư đang tích cực đẩy mạnh sản xuất. Nhà máy có tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng, tổng công suất 300 tấn/năm, giải quyết việc làm cho 50 lao động. Năm 2010 đã nộp ngân sách nhà nước 300 triệu đồng. Tại đây, Dự án sản xuất gạch không nung và bê tông của Công ty TNHH Thanh Ba đang hoàn chỉnh hồ sơ cho thuê đất. Theo dự án, tổng công suất gạch không nung 20 vạn viên/năm, bê tông đúc sẵn 5.000m3/năm. Tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng. Ngoài ra, tại điểm công nghiệp xã Phúc Ứng, Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) đang hoàn tất hồ sơ chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xi măng với tổng công suất dự kiến 350.000 tấn/năm.

Ông Nguyễn Tiến Độ, Phó Trưởng phòng Công thương Sơn Dương cho biết, để phát huy hiệu quả các cụm, điểm công nghiệp thu hút các nhà đầu tư, huyện đã có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp. Theo kế hoạch điều chỉnh, sẽ nâng cụm công nghiệp thành khu công nghiệp Sơn Nam với diện tích 250 ha. Tổng mức đầu tư theo dự án mới là 167,5 tỷ đồng.


Ngoài ra, tại điểm công nghiệp An Hòa, xã Vĩnh Lợi đã điều chỉnh bổ sung quy hoạch thêm 30 ha để xây dựng khu tập thể công nhân Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa. Tại điểm công nghiệp Măng Ngọt điều chỉnh bổ sung quy hoạch từ 1,2 ha hiện nay lên 4 ha. Hiện nay, việc các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả tại các khu, cụm điểm công nghiệp và việc huyện mở rộng quy hoạch các khu, cụm điểm công nghiệp là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày một phát triển.
 

 

Hải Yến