Thời gian qua, việc triển khai xây dựng các cụm, điểm công nghiệp ở các địa phương trên phạm vị cả nước nói chung, vùng ĐB Sông Hồng và Bắc Trung Bộ nói riêng đã bước đầu đáp ứng được mặt bằng cho các doanh nghiệp, cở sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở sản xuất trong làng nghề, khu vực nông thôn.


Tuy nhiên, việc chưa có cơ chế quản lý thống nhất, mỗi nơi một cách làm đã hạn chế đáng kể hiệu quả hoạt động của các cụm, điểm công nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, ngày 19/8/2009, Thủ Tướng CP đã ra quyết định số 105 về quy chế quản lý cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước. Hiện nay các địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện. Anh Tú, PV Đài TNVN phản ánh thực tế ở vùng ĐB Sông Hồng và Bắc Trung bộ.

Theo báo cáo của các địa phương, toàn vùng ĐBSH và Bắc Trung Bộ chiếm 40% về số lượng và 30% về diện tích cụm, điểm công nghiệp được quy hoạch của cả nước. Trong đó cụm, điểm công nghiệp đã thành lập chiếm 40% về số lượng và 26% về diện tích cụm, điểm công nghiệp được thành lập của cả nước. Một số tỉnh, thành phố có nhiều cụm, điểm công nghiệp được thành lập như Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An…Tuy nhiên việc thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng, đầu tư sản xuất kinh doanh vào các cụm, điểm công nghiệp còn gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn đầu tư hạ tầng, thủ tục giải phóng mặt bằng và các cơ chế chính sách thu hút đầu tư chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư; diện tích hạ tầng nhỏ, suất đầu tư cao…Quan trọng hơn nữa là thiếu các quy định thống nhất về quản lý phát triển cụm công nghiệp …

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm, điểm công nghiệp địa phương, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành QĐ số 105/2009 về quy chế quản lý cụm công nghiệp trong phạm vi cả nước. Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 39, ngày 28/12/2009 hướng dẫn chi tiết thực hiện một số nội dung của QĐ 105. Theo đó các tỉnh, thành phố đang gấp rút trình cấp thẩm quyền địa phương để điều chỉnh, sắp xếp lại việc quản lý các khu, cụm, điểm công nghiệp. Mỗi tỉnh, thành phố có sự vận dụng mô hình quản lý khác nhau tuỳ theo đặc thù của từng địa phương. Ông Lê Văn Quyết, phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Nam cho biết, triển khai QĐ 105 của Thủ Tướng CP, Hà Nam đang vấp phải khó khăn.

Trong hướng dẫn thực hiện QĐ 105, có việc đổi tên các cụm công nghiệp làng nghề, điểm công nghiệp xã…thành cụm công nghiệp cho thống nhất, nhưng trước đây có những cụm công nghiệp làng nghề do xã làm chủ đầu tư và đã đăng ký thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp gắn với xuất xứ…Nay nếu thực hiện đổi tên sẽ mất thương hiệu…


Bên cạnh đó, hiện vẫn còn sự chồng chéo về phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp giữa Sở Công Thương và Ban quản lý khu công nghiệp ở một số địa phương. Ông Đỗ Mai, phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết:

Công tác quản lý sau đầu tư đối với các khu công nghiệp thuộc Sở Công Thương, nhưng các tỉnh lại giao cho Ban quản lý khu công nghiệp. Vì vậy, Bộ Công Thương cần có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có báo cáo về hoạt động sản xuất kinh doanh cho Sở Công Thương theo ngành dọc để nắm bắt được tình hình…


Theo ông Nguyễn Đình Hoàng Long-Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cho biết, hiện trên phạm vi cả nước có hai hệ thống là khu công nghiệp và cụm công nghiệp, theo hai cơ chế quản lý khác nhau. Các khu công nghiệp do Thủ Tướng ra quyết định thành lập thì được quản lý theo NĐ 29, ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Số còn lại là các cụm công nghiệp với diện tích từ 5-10 ha…được quản lý theo QĐ 105 của Thủ Tướng CP. Ông Long giải đáp cụ thể: Đối với trường hợp của Hà Nam, đổi tên gọi của cụm công nghiệp ảnh hưởng đến thương hiệu thì địa phương có thể xem xét, giữ nguyên tên gọi, nhưng cơ chế quản lý thì theo QĐ 105. Trên một địa bàn có các cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và do Ban quản lý làm chủ đầu tư thì thành lập mới Trung tâm phát triển cụm công nghiệp…


Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phát triển cụm công nghiệp, trong thời gian tới, các địa phương cần tổ chức rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới quy hoạch phát triển cụm công nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của từng nơi. Làm tốt công tác quy hoạch quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp…Xây dựng cơ chế chính sách vốn đầu tư, biện pháp giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính…để thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất trong các làng nghề di dời vào cụm công nghiệp. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý…để đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp.

Nguồn: VOV